Cây nứa: đặc điểm hình thái của 7 loài nứa mới tại Việt Nam

cay tre nua

Cây nứa là nhóm các loài tre đặc trưng bởi vách mỏng, thuộc chi nứa, có tên khoa học là Schizostachyum. Trên thế giới có khoảng 70 loài khác nhau. Các nghiên cứu gần đây cho thấy chi Nứa có một số loài ở nước ta. Phổ biến nhất là 3 loài: nứa lá to, nứa lá nhỏ và nứa tép. Hãy cùng Tre Trúc Thái Dương đi tìm hiểu chi tiết đặc điểm về các loại tre nứa tại Việt Nam như thế nào nhé.

Đặc điểm chung của cây nứa

Cây nứa mọc thành từng cụm. Thân cao khoảng 12cm – 15m. Đường kính thân khoảng 10cm, thân có nhiều lóng. Chiều dài mỗi lóng từ 30cm – 90cm. Vách mỏng 0.2cm – 0.6cm.

Mo nứa có lông màu trắng mịn. Mép mo ở trên có lông cao 0.1cm và dày. Bẹ mo có đáy dưới rộng 32cm – 34cm, cao 22cm – 24cm, đáy rộng 7cm – 8cm. Phiên mo mác hẹp, nhọn đầu, rộng 2.2cm – 2.4cm, cao 7.5cm – 9cm. Phía trong có lông mịn, đáy có lông dài cứng. Tai mo thấp, cao 0.2cm, lông thưa dài 1cm. Lưỡi mo cao 0.2cm, có lông cứng dày cao 0.4cm.

Lá hình mác, phiến lá dài 10cm – 30cm và rộng 3cm – 7cm. Đầu lá nhọn, hơi lệch, gân lá lộ rõ. Mặt dưới lá phủ lông mịn, cuống lá dài 0.2cm – 0.7cm.

Nứa thường mọc hoang trong rừng tự nhiên, thường sống ở độ cao 100m – 700m so với mực nước biển.

7 loài nứa mới tại Việt Nam

– Khốp Cà Ná: Cà Ná, Ninh Thuận.

– Nứa Núi Dinh: Bà Rịa – Vũng Tàu.

– Nứa đèo Lò Xo: Đắc Glei, Kon Tum.

– Nứa lá to Saloong: Ngọc Hồi, Kon Tum.

– Nứa không tai Côn Sơn: Chí Linh, Hải Dương.

– Nứa có tai Côn Sơn: Chí Linh, Hải Dương.

– Nứa Bảo Lộc: Bảo Lộc, Lâm Đồng.

Khốp Cà Ná

Khốp Cà Ná là loài tre nứa mọc cụm dày đến thưa. Thân cây nhỏ và thẳng. Cây cao khoảng 2m – 4m, đường kính thân 1.3 – 1.5cm. Vách dày 0.2cm, lóng dài 16cm – 17cm. Nhiều cành nhỏ mọc từ một gốc. Thân hơi phù ở giữa lóng.

Mo thân hình thuôn, mặt ngoài có lông màu đồng nằm. Nửa phía trên có gân nổi rõ, dày. Bẹ mo có đáy dưới rộng 1.5cm – 2.2cm và cao 8cm – 11.5cm. Đáy trên cắt ngang hay nhô cao ở giữa và có hai vai hơi lệch, cao 1cm – 1.5 cm. Phiến mo dạng dải thuôn, rộng 1cm – 1.5cm, cao 8cm – 11cm. Tai mo 0.2cm – 0.5 cm. Tai mo đứng lúc non và nằm ngửa ra khi già, có lông dày, dài đến 1.3cm.

Lá dạng dải, có lông mịn ở hai mặt và dài ở hai mép. Phiến lá dài 8.5 – 9.5 cm, rộng 0.4cm – 0.5cm. Gốc lá nhọn, đáy lệch. Gân lá có từ 2 – 3 đôi. Lưỡi lá không lông. Tai lá thấp có lông thưa dài đến 1.2cm. Bẹ lá không lông. Cuống lá có lông 0.1 – 0.2 cm.

Khốp Cà Ná được tìm thấy trên độ cao khoảng 400 – 600 m của vùng núi Cà Ná (Ninh Thuận). Nơi có điều kiện đất đai và khí hậu khô cằn khắc nghiệt. Mùa khô kéo dài quá 6 tháng, lượng mưa bình quân năm khoảng 1000 mm. Xung quanh có các loài đặc trưng cho vùng khô như tre là a Cà Ná, Dầu lông, Cẩm liên.

Nứa núi Dinh

Nứa núi Dinh là loài tre nứa mọc cụm với đặc điểm nổi bật là lá to và lóng dài. Tuỳ theo điều kiện sống mà thân cao hay thấp. Ngay tại núi Dinh, ở các vùng đất khô cằn, cây chỉ cao 2m – 3m. Vào mùa khô cây vàng hết lá. Trong khi ở ven các khe suối, cây có thể vươn dài tới 12 m, đường kính thân 2 – 2,2 cm. Thân non có phấn trắng dày và vết sẹo lá phù to. Cây ven khe có lóng dài tới 125 cm, thân màu xanh thẫm. Vách dày 0.5 cm. Nhiều cành nhỏ, có rễ ở gốc cành.

Lá dài 20cm – 32cm, rộng 3.5cm – 5cm còn ở đầu cành. Lá dài 40cm – 42 cm, rộng 9cm. Gốc lá nhọn, lệch. Bẹ lá có lông tơ dày dài. Cuống lá dài 0.6cm – 0.8 cm. Gân lá có khoảng 10 – 11 đôi.

Loài được tìm thấy trên núi Dinh (Bà Rịa – Vũng Tàu) với một số loài tre khác như cây lồ ô (Bambusa) và le (Gigantochloa).

cay nua
Cây nứa

Nứa đèo Lò Xo

Nứa đèo Lò Xo là loài tre mọc cụm dày, thân thon, tròn đều, thanh mảnh. Thân non có phủ lông dạng phấn trắng, thưa và nằm. Thân già thấm nhiều silíc, phía dưới đốt có nhiều lông. Thân cây cao khoảng 8m – 10m, đường kính thân đạt 4cm – 5cm. Vách dày 0.7cm – 0.8 cm, lóng thân dài 80cm –  90cm. Thân non có phủ lông dạng phấn trắng. Thân già thấm nhiều silic, phía dưới đốt có nhiều lông. Có nhiều cành nhỏ và dài.

Mo hình trụ cứng, mặt ngoài có nhiều lông cứng và dài. Thường xếp dọc theo thân của mo, có nhiều gân mịn dày nổi rõ. Nửa phía trên có nhiều lỗ nhỏ do vết lông rụng để lại. Đáy dưới lượn sóng, có lông nâu, mịn và dày, rộng 12cm – 16cm, cao 9cm – 10cm. Đáy trên lượn sóng, một mép xuôi xuống và một mép nằm ngang, rộng 5cm – 6cm.

Phiến mo hình tam giác có mũi nhọn dài, đáy lõm và lệch, mặt ngoài có gân nổi rõ và lông màu đen cứng và thưa. Phiến mo có màu xanh nhạt phía trên và màu tím đen ở dưới. Lưỡi mo cao đến 0.2cm. Tai mo một bên nhô cao và một bên thấp. Tai nhô cao rộng 0.5cm – 1cm, cao 0.3cm – 0.4cm, có lông mềm dày 2 – 3 hàng, cao đến 0.4 cm. Tai thấp dài 0.2cm, rộng 0.2 cm, có lông mềm.

Phiến lá dạng hình nêm hay thuôn dài, mép lá men theo xuống cuống. Gốc lá nhọn hay tù, đáy lệch, dài 23cm –  28cm, rộng 3.2cm – 3.5cm. Gân lá 7 – 8 đôi. Lưỡi lá thấp có lông cứng, dạng bản, dày, cao đến 0.1cm. Tai lá rộng 0.4cm, cao 0.1cm, một tai ngắn và một tai uốn cong nhô ra ngoài, có lông dài 0.4cm. Bẹ lá có lông mịn ở mép. Cuống lá dài 0.5cm, rộng 0.2cm có màu tím hồng, mặt trên có lông mịn và dày.

Đặc trưng của măng là phiến mo có màu tím đen và phù ra ở đáy. Loài được thấy trên đèo Lò Xo (Đắc Glêi, Kon Tum) trên độ cao 930m so với mực nước biển.

rung nua
Rừng nứa

Xem thêm: Cây Luồng.

Nứa Saloong

Nứa Saloong là loài tre mọc cụm dày. Thân thẳng, cao 8m – 10m, đường kính thân 2cm – 2.5 cm. Vách thân dày 0.2 – 0.3 cm, lóng thân dài 65cm – 75cm. Thân non có lông màu trắng nằm, thân già thấm nhiều silic. Nhiều cành nhỏ từ một gốc và ngắn, tán lá dày.

Mo dạng hình trụ cứng, có nhiều phấn trắng và gân nổi rõ. Mặt ngoài có nhiều lông màu nâu đen dày, sớm rụng để lại nhiều lỗ chân lông. Đáy mo dưới lượn sóng, rộng 18cm – 20cm, cao 24cm – 26cm. Đáy trên một mép xuôi xuống và một mép ngang, rộng 9cm – 11cm. Phiến mo dạng tam giác, đầu có mũi nhọn dài, gốc phù to và lõm, dài 5cm – 6cm, rộng 8cm – 9cm. Mặt trong gần đáy có nhiều lông màu nâu đen. Lưỡi mo cao đến 0,2 cm. Tai mo nhô ra và cong xuống, rộng 1cm – 1.2cm, cao 0.3cm – 0.4cm.

Lá dạng dải thuôn dài, dài 42cm – 45cm, rộng 7cm – 7.5 cm, đầu có mũi nhọn dài đến 2cm. Gốc lá nhọn, đáy lệch, hai mép lá men theo xuống cuống. Gân lá có 11 – 12 đôi. Lưỡi lá cao đến 0.1cm, có lông dày cứng, cao đến 0.5cm. Bẹ lá không lông. Cuống lá dài 1cm, rộng 0.4cm.

Mùa măng vào khoảng tháng 6 – 9. Đặc trưng của măng là phiến mo có màu tím đen, phình to ở đáy. Loài được thu mẫu dọc đường vào Saloong (Ngọc Hồi, Kon Tum).

Nứa không tai Côn Sơn

Nứa không tai Côn Sơn là loài tre mọc cụm dày. Thân thon nhỏ, thân non có nhiều lông màu trắng nằm, mắt phù to cao 0.8cm, rộng 1.5cm. Thân cây cao 7m – 8m, đường kính thân 1cm – 1.5cm, vách thân dày 0.3cm, lóng dài 45cm – 58cm. Thường có nhiều cành nhỏ từ một gốc.

Mo thân hình trụ đứng, mặt ngoài có lông màu trắng. Gân nổi rõ và dày, mép có lông dày mềm cao đến 0.2cm. Bẹ mo có đáy dưới bằng, rộng 7cm – 9 cm, cao 14cm – 15cm. Đáy trên hơi lõm, hai mép không bằng nhau. Mép lớn 1.2cm – 1.5cm, mép nhỏ 1cm – 1.1cm, rộng 2.8cm – 3cm. Lông dày cao 1cm và nằm dọc theo thân. Phiến mo dạng dải, dài 5cm – 10cm, rộng 0.4cm – 0.5cm. Lưỡi mo cao đến 0.2 cm, có lông cao đến 0.2 cm.

Lá dạng dải. Phiến lá dài 23cm – 26cm, rộng 3.5cm – 3.8 cm. Gốc lá nhọn, đáy lệch. Gân lá 8 – 9 đôi. Bẹ lá có lông màu trắng dài và đứng. Tai lá thấp và nhô ra, có lông dài đến 1.2cm. Cuống lá dài 0.8cm, rộng 0.3cm, mặt dưới cuống có nhiều lông.

Măng có màu tím đen lúc non và xanh nhạt khi già. Loài gặp cùng với một loài nứa khác có hình thái tương tự nhưng không có tai mo, mọc ven suối, trên độ cao 40 – 50 m so với mực nuớc biển.

Nứa có tai Côn Sơn

Nứa có tai Côn Sơn là loài tre mọc cụm dày. Thân cây thanh mảnh, thân non có nhiều lông màu trắng và nằm. Thân cây cao 5m – 6m, đường kính thân 1.4cm – 1.7cm, vách thân dày 0.4cm – 0.7cm, lóng thân dài 36cm – 50cm. Thường có nhiều cành nhỏ xuất phát từ một gốc.

Mo thân hình trụ đứng, mặt ngoài có lông màu trắng và cứng. Có nhiều gân nổi rõ và giữa các gân lớn có các gân mịn, mép có lông mềm dày cao đến 0.2cm. Bẹ mo đáy dưới bằng, rộng 6cm – 7cm, cao 11cm – 13cm. Đáy trên lõm, hai vai không bằng nhau, đáy rộng 1.5cm – 1.8cm. Phiến mo dạng dải, mặt trong có lông nhiều ở đáy, dài 7cm – 7.5cm, rộng 0.3cm – 0.5cm. Tai mo thấp, ngửa ra, cao 0.1cm, rộng 0.2cm, có lông cao đến 1.2cm và ngửa ra theo tai. Lưỡi mo thấp, có lông cao đến 0.15cm.

Lá phía dưới hình nêm, phía trên dạng dải, đầu có mũi nhọn. Phiến lá dài 28cm – 30cm, rộng 5cm – 5.5cm. Gốc lá nhọn hay hơi tù, đáy lệch. Gân lá 10 – 12 đôi. Bẹ lá có lông trắng mịn. Tai lá dài đến 0.4cm, cao đến 0.1cm, có lông dài đến 0.1cm. Cuống lá dài 1cm, rộng 0.4 cm, có hai bẹ chìa ra ôm lấy cuống lá.

Măng có màu hơi tím đen. Loài gặp cùng với Nứa không tai tại chân núi Côn Sơn.

Nứa đèo Bảo Lộc

Nứa đèo Bảo Lộc là loài tre mọc cụm. Thân cây đứng thẳng hay hơi dựa. Cây cao khoảng 8m – 10m, đường kính thân 4.5cm – 5.5cm, lóng rất dài 80cm – 130cm, thân màu xanh thẫm. Vách dày 0.5cm – 0.7cm. Nhiều cành nhỏ mọc từ một gốc. Thân non nhiều lông mềm màu bạc, mắt nhỏ. Điều dễ nhận biết nhất ở loài này là lóng rất dài và ở đáy mo bên phải có một miếng lồi nhỏ phủ vòng mo.

Mo thân mặt ngoài có lông nhung, màu bạc, nằm. Mặt trong có lông màu bạc ở gần đáy trên, đáy dưới của góc bên phải lồi và uốn cong lại. Bẹ mo có đáy dưới rộng 20cm – 25cm và cao 26cm – 30cm. Đáy trên cao 4.8cm – 5.2cm, ở giữa lõm sâu đến 1.2cm. Phiến mo dạng dải, rộng 10cm – 20cm, cao 1cm – 1.2cm, mặt trong có lông nhung, đứng và dày ở đáy. Tai mo cao 0.2cm, rộng 1.5cm – 2cm, có lông mềm dày, dài đến 1.3 cm.

Lá hình dải. Phiến lá dài 20cm – 22cm, rộng 2.8cm – 3.1 cm. Gốc lá nhọn, đáy lệch. Gân lá 6 – 7 đôi, nổi rõ. Lưỡi lá thấp, có lông màu bạc, dày, dài đến 1.7cm. Bẹ lá có lông ở hai mép. Cuống lá dài 0.5cm.

Giá trị kinh tế của cây Nứa

Nứa được sử dụng trong xây dựng làm phên nứa, lợp mái, làm giàn che trong sản xuất nông nghiệp. Tre nứa nguyên liệu còn được dùng trong xây dựng, trang trí không gian kiến trúc. Nứa đã được nghiên cứu sản xuất ván ghép thanh làm tường ngăn hoặc ốp tường rất đẹp vì giữ được màu xanh tự nhiên. Măng Nứa có thể ăn tươi hoặc muối chua.

(Nguồn: Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam)

5/5 - (1 đánh giá)