Cần xé là gì? Nguồn gốc, công dụng và kỹ thuật đan cần xé

Cần xé

Cần xé là một trong những khái niệm xa lạ đối với người miền Bắc. Nhưng là một vật dụng quen thuộc và không thể thiếu đối với người dân miền Nam. Để biết rõ hơn về vật dụng này hãy cùng chúng tôi tìm hiểu cần xé là gì, nguồn gốc, công dụng và kỹ thuật đan cần xé trong bài viết dưới đây nhé!

Cần xé là gì?

Cần xé” là một vật dụng để chứa đựng hàng hóa, chủ yếu là các loại nông sản, đôi khi còn làm cả chức năng đo lường. Cần xé có hình dáng giống như cái giành, được đan bằng tre trúc. Có miệng rộng, vành to, đáy sâu và có quai để xách. Đây được xem là loại vật dụng chứa đựng hàng hóa gắn liền với đời sống của người nông dân.

Nguồn gốc cần xé

Nghe kể lại từ một số người lớn tuổi thì cần xé đã xuất hiện từ thời cha ông của họ. Theo một số nhận định cho rằng cần xé có nguồn gốc từ cái sọt tre ở miền Bắc và chiếc gùi tre của đồng bào các dân tộc miền núi. Đây là những vật dụng có mặt từ rất lâu đời trong đời sống sản xuất của người Việt.

Cần xé có thể ra đời từ thời nhà Nguyễn khai khẩn xuống phía Nam. Với cuộc sống của yếu dựa vào nông nghiệp, cần có các nông cụ, phương tiện vật dụng để hỗ trợ phù hợp với hoàn cảnh. Để đáp ứng nhu cầu chứa hàng hóa, vận chuyển nông sản thì cần xé là một trong những vật dụng tất yếu. Nghề đan cần xé đã hình thành, cùng với nhiều nghề đan thủ công khác như: đan mê bồ, đan rổ, rá, nghề chằm lá dừa lợp nhà.

Nguồn gốc cần xé
Nguồn gốc cần xé

Cần xé có mấy loại?

Cần xé được phân loại theo công năng, hình dáng và kích cỡ. Phải kể tới các loại cần xé theo công năng phổ biến như: cần xé cá, cần xé trái cây, cần xé cát, cần xé trấu, cần xé hột vịt,… Với nhiều kích cỡ.

  • Cần xé nhỏ có sức chứa 1.5 – 2 giạ lúa (khoảng 30-40kg)
  • Cần xé vừa có sức chứa 3 – 5 giạ lúa (khoảng 60-100kg)
  • Cần xé lớn có sức chứa 10 12 giạ lúa khoảng 200kg, loại này ít được sử dụng vì chỉ dùng để chứa đồ.
Cần xé có mấy loại?
Cần xé có mấy loại?

Cần xé được làm bằng nguyên liệu gì?

Cần xé được làm từ nguyên liệu tre trúc là chủ yếu, nguyên liệu phụ là dây mây. Tre, trúc cũng là loại cây phổ biến và có nguồn nguyên liệu dồi dào ngoài tự nhiên. Tại một số tỉnh miền Nam thời trước, gần như cạnh mỗi nhà đều được trồng một vài bụi tre, trúc. Mục đích để cung cấp nguyên liệu phục vụ làm các dụng cụ phục vụ đời sống, nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Công dụng của cần xé

Công dụng chính của cần xé là để chứa đựng đồ, hàng hóa. Gần như mọi thứ hàng hóa đều có thể sử dụng cần xé để đựng. Ngoài công dụng chính là chứa đựng thì cần xé còn có công dụng làm chức năng đo lường. Hiện nay còn có các loại cần xé nhựa với đa dạng màu sắc và kiểu dáng. Tuy công dụng cần xé nhựa tương tự với cần xé làm từ tre trúc nhưng xét về độ bền bỉ, an toàn và chắc chắn thì cần xé đan bằng tre, trúc vẫn là số 1.

Cần xé còn được đan riêng chuyên dùng cho mỗi loại hàng hóa nhất định. Cần xé đáy cạn dùng để chứa hàng hóa trưng bày sản phẩm. Cần xé còn được đan theo số kilogam để tiện cho việc giao thương buôn bán hàng hóa.

>> Xem thêm: Bồ lúa – một loại nông cụ dùng để đựng thóc lúa ngày xưa

Quy trình và kỹ thuật đan cần xé

Chuẩn bị các dụng cụ cần thiết

Để đan 1 chiếc cần xé thì người thợ phải cần những dụng cụ hỗ trợ cần thiết như:

– Cây dao đan (còn gọi là dao vót, dao cà to).

– Cây dao dộng: khá dài, đầu bằng lưng dày dùng để dộng, nong cho các sợi nan khít vào nhau khi đan.

– Cây búa dập: đầu làm bằng sắt dùng để dập phần mê lót đáy cần xé cho bằng phẳng.

– Cây dùi: dùng để nong các đường nan, cho dễ xỏ dây mây vô quai, cột miệng cần xé.

– Cây cưa: để cắt đoạn những lóng tre, trúc.

– Cây dao nhỏ: dùng cho việc cắt dây mây, vô quai, léo miệng.

Dây mây, dây chì dùng để cột quai, niềng thân.

Chuẩn bị nguyên liệu tre trúc

Có thể khai thác hoặc đi thua mua từ các nơi khác. Chọn những cây tre trúc đủ tuổi và đủ độ già. Sau khi khai thác thì được tập kết vận chuyển tới các cơ sở sản xuất cần xé.

Chế tác nguyên liệu tre trúc

Làm sạch bề ngoài cây tre trúc, cắt thành từng đoạn theo kích cỡ của cần xé cần đan. Sau đó chẻ các đoạn trúc thành từng thanh có bề rộng chừng 1cm. Các thanh tre trúc sau đó được chẻ thành các nan có độ mỏng và độ dày vừa đủ. Đảm bảo độ dẻo dai và chắc chắn. Các loại nan gồm nan ngắn dùng để đan mê, nan đứng dùng để nối phần đáy và tạo thân cần xé. Nan cấu (nan đan ngang xung quanh) dùng để cấu cho chặt bề hoành cần xé. Tiếp đến là nan ghim để ghim phần đáy của cần xé để chịu lực. Nam quai để làm quai xách, chỗ tay cầm.

Để tạo ra những chiếc cần xé chắc chắn bền bỉ khi sử dụng. Thì quy trình chẻ nan, vót nan rất quan trọng. Dùng dao vót cho những cọng nan bằng, đều. Nan vót không được quá mỏng hay quá dày.

Nguyên liệu phụ dây mây, chỉ bày ra khi đến giai đoạn sử dụng, người thợ sẽ cắt dây tùy theo kích cỡ cần xé.

Xong các bước chế tác, chuẩn bị nguyên vật liệu; công dụng hỗ trợ – cơ sở sản xuất huy động một nhóm thợ từ 5-7 người, bắt tay vào việc đan cần xé theo kỹ thuật qua các công đoạn sau đây:

Kỹ thuật đan cần xé
Kỹ thuật đan cần xé

Kỹ thuật đan cần xé

Bước 1: dập mê, đan mê

Đây là công việc gần phần đáy cần xé. Chọn những cọng nan đứng, và nan ngắn đan thành một tấm vỉ vuông gọi là đan mê. Sau đó, dùng búa dập, nện cho cái vỉ này bằng phẳng, đều gọi là dập mê.

Bước 2: lên góc

Tức là mở đầu công việc đan, từ phần đáy cần xé. Người thợ lấy những cọng nan đứng, rồi đan luồn vào tấm mê đến phần bìa thì uốn dựng lên, tạo hình thân bên dưới cho vuông góc, để sau đó nối tiếp phần đan thân.

Bước 3: xỏ nan đứng với nan ngang

Phần này xỏ các nan đứng xen vào các nan thân theo hình chữ thập, đan qua, đan lại cho khít vào nhau. Thỉnh thoảng dùng dao dộng ở những chỗ có khe hở. Cứ thế đan hết cọng nan này, đến cọng nan khác.

Bước 4: cấu miệng

Dùng những cọng nan già đem cấu cho các cọng nan quấn chặt vào nhau theo bề hoành. Cứ thế đan cao dần lên cho đến khi tới miệng cần xé. Khi đó, cọng nan đứng nào còn thừa chiều cao sẽ được bẻ đi, cho bằng vành cấu phần miệng.

Bước 5: léo miệng cần xé

Sau khi quấn chặt phần miệng bằng cọng nan cấu, sẽ dùng sợi dây mây cột chặt từ miệng xuống, rồi gióng lên gút lại để tránh cần xé bị xụt xịt, bung nan vuột ra.

Bước 6: vô quai, làm quai

Dùng cặp nan quai uốn cong lại, rồi lấy cây dùi nong các lỗ hổng ở cạnh phần miệng cần xé. Sau đó xỏ, đút cọng nan vô. Để cho chắc, bền và xách cho êm tay, người thợ cắt sợi dây mây quấn tròn bít kín theo cây nan quai. Đồng thời luồn, kèm theo sợi dây chì kiềng từ cặp quai đến vành cấu, thả xuống đáy rồi gút trở lên cái quai phía bên kia, nhằm giữ cho cái cần xé chịu được sức nặng khi đựng đồ vật.

Bước 7: ghim đáy

Nan tre ghim đáy đã vót hai đầu nhọn, ghim đủ chiều cao lên khỏang 2/3 của thân cần xé. Khi ghim, lật úp cái Cần Xé lại, rồi người thợ dùng sức uốn cong cây ghim hình chữ U; luồn cây ghim vô, rồi gài lại cho chặt. Tùy theo loại, cỡ cần xé mà tính số lượng ghim. Thường thì người thợ dùng từ 6-8 ghim.

Hy vọng nội dung chia sẻ trên đây về cái cần xé sẽ mang lại những kiến thức hữu ích dành cho bạn. Tre Trúc Thái Dương là một trong những kho nguyên liệu tre trúc lâu đời và uy tín hàng đầu tại TPHCM. Chuyên cung cấp các loại nguyên liệu tre trúc và sản phẩm từ mây tre đan giá rẻ chất lượng.

5/5 - (1 đánh giá)